Hôm nay, Masan công bố thông tin báo cáo tài chính hợp nhất cho Q2/2018. Lợi nhuận khủng 6 tháng lên đến 3.031 tỷ và một cách trình bày hết sức khác lạ. Chúng ta cùng nhau phân tích báo cáo tài chính và xem cách Masan trình bày.
Cách đọc báo cáo tài chính hợp nhất
Về cơ bản, mình rất thích cái cách mà MSN trình bày và truyền thông tin một cách rõ ràng về kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, cả về hình thức lẫn nội dung.
MSN còn làm tốt hơn nữa là trình bày báo cáo tài chính dự phóng cho nửa cuối năm với các kịch bản khác nhau. Trong đó, kỹ thuật segment reporting (Báo cáo bộ phận) được sử dụng để cung cấp thông tin tài chính của từng bộ phận hoạt động trong tập đoàn. Như thế người đọc báo cáo tài chính và nhà đầu tư cổ phiếu MSN sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn, có đủ thông tin hơn để ra quyết định. Báo cáo bộ phận này giảm bớt sự bất đối xứng thông tin trên thị trường, cũng như giảm ảnh hưởng của những tin đồn, nếu có, đồng thời quan trọng hơn là “định hướng” người đọc thông tin tài chính.
Lợi nhuận MSN từ đâu?
Nhìn vào biểu đồ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính sau thuế là 1,559 tỷ. Lợi nhuận bất thường sau thuế là 1.472 tỷ.

Cách trình bày này giúp người đọc báo cáo tài chính và các nhà phân tích tài chính không phải mất công bóc tách, tìm hiểu, rất rõ ràng và dễ hiểu.
Theo Masan, Lợi nhuận chính sau thuế đến chủ yếu từ “Cắt giảm chi phí”. Cắt giảm chi phí là “Chiến lược của năm 2018” không chỉ MSN mà còn là của phần lớn các tập đoàn, các ngân hàng lớn. Bởi lẽ, 2018 một năm dự tính đầy khó khăn, chậm tăng trưởng, bởi vậy cách tốt nhất là làm sao cắt giảm chi phí, nói đúng hơn là tăng hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đồng tiền. Doanh nghiệp phải hướng tới hoạt động tinh gọn hơn và nếu đúng như báo cáo thì MSN đang làm tốt điều này.
Lợi nhuận bất thường chiếm gần một nửa lợi nhuận sau thuế, 1.472 tỷ. Theo giải thích của Masan: “lợi nhuận từ “giả định” bán một phần tỉ lệ sở hữu trong công ty liên kết – Techcombank” (deemed disposal) nhờ vào kết quả phát hành vốn cổ phần với giá cao hơn giá trị ghi sổ khoản đầu tư của Công ty.”
Phần nhiều thị trường không hiểu được “cái này là cái gì”. Tôi sẽ làm rõ điểm này để thị trường có thêm thông tin để đánh giá tốt hơn.
Quy định về hợp nhất báo cáo tài chính
Masan tận dụng Điều 63, Thông tư 202 về hợp nhất báo cáo tài chính để đánh giá tăng khoản đầu tư vào TCB và ghi vào Doanh thu tài chính 1.472 tỷ.
Điều 63 quy định về “Dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu” (Equity method) trong BCTC hợp nhất.
“Nếu khoản đầu tư còn lại trong công ty liên doanh, liên kết trở thành tài sản tài chính thông thường, khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị hợp lý và được coi là giá trị hợp lý (giá gốc) tại thời điểm ghi nhận ban đầu. Nhà đầu tư phải ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phần chênh lệch của:
– Giá trị hợp lý của khoản đầu tư còn lại cộng với khoản thu từ bán phần vốn tại công ty liên doanh, liên kết; và
– Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư tại thời điểm dừng áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.”
Có nghĩa là nếu kỳ trước MSN nắm giữ từ 20% TCB trở lên thì TCB là công ty liên kết của MSN, sẽ áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất của MSN. Kỳ này, MSN nắm giữ dưới 20% của TCB (hoặc không còn là công ty liên kết) thì MSN được đánh giá lại khoản đầu tư và chênh lệch (tăng) ghi vào Doanh thu tài chính 1.472 tỷ.
Tại sao có “Giả định bán một phần” ?
Chúng ta phải hiểu rằng MSN KHÔNG BÁN cổ phiếu TCB để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 20% (là công ty liên kết), mà TCB phát hành cổ phiếu cho cổ đông mới khiến tỷ lệ sở hữu của TCB bị pha loãng (dliuted) giảm xuống khiến TCB không còn là công ty liên kết. Như thế, MSN “giả định đã bán” đi 15% cổ phiếu đang nắm giữ để thu lợi nhuận, nhưng thực chất là chưa bán mà chỉ đánh giá lại theo giá thị trường cổ phiếu TCB tại thời điểm đánh giá lại. Tất nhiên, thực tế thị trường cổ phiếu TCB có thể cao hoặc thấp hơn thị giá dùng để đánh giá lại. Một kịch bản nhiều khả năng hơn là nếu MSN bán cổ phiếu TCB thì giá TCB sẽ giảm do vấn đề cung cổ phiếu cũng như niềm tin từ thị trường.
MSN có còn “ảnh hưởng đáng kể” với TCB?
Câu này rất dễ để thị trường trả lời. Cho dù MSN không còn nắm từ trên 20% TCB thì còn các cá nhân quan trọng trong Board của MSN đang nắm giữ lượng lớn TCB. Nếu cộng tất cả tỷ lệ sở hữu của MSN và các cá nhân quan trọng này thì xét về bản chất MSN vẫn “ảnh hưởng đáng kể” đối với TCB, mà như thế việc TCB không còn là công ty liên kết của MSN cùng với việc đánh giá lại như trên là “KHÔNG ĐƯỢC PHÉP”.
Tuy nhiên, đấy là điểm yếu của hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam (VASs). Hiện tại VASs đang khá yếu để thị trường cũng như kiểm toán có thể “thách thức” lại việc ghi nhận lợi nhuận từ đánh giá lại này của MSN. Nếu áp dụng các chuẩn mực quốc tế (IFRSs) thì dễ dàng hơn trong việc áp dụng “bản chất” giao dịch để đưa ra thông tin tài chính tốt hơn, mà như thế thì MSN không được đánh giá lại do vẫn “ảnh hưởng đáng kể” đến TCB.
Một điểm quan trọng đối với khoản lợi nhuận này, tất nhiên, là “không có dòng tiền vào”. Cách thức này tương tự như CII đã thực hiện đầu năm 2017. Chỉ có điểm khác là CII một cách có chủ đích tự bán sở hữu từ trên 50% xuống dưới 50% để ghi lợi nhuận năm trước, và năm sau lại tự mua lên trên 50% để đánh giá lại khoản đầu tư và ghi lợi nhuận khủng. Trong khi việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông khác của TCB khiến cho sở hữu của MSN giảm xuống dưới 20% là có thật. Mà có vẻ như sau sự kiện CII năm 2017 đó thì có đến hàng vài chục công ty khác trên thị trường đều “thích” áp dụng cách thức này để book lợi nhuận “one-off”, “Non-cash” một cách phi bản chất của giao dịch.
Mà như thế, lợi nhuận kiểu này người ta gọi với nhiều thuật ngữ buồn cười: “Đếm cua”, “Đánh cược tương lai”, “Bóc ngắn cắn dài”, “Lấy lợi nhuận tương lai ghi vào hiện tại – Bring future profit forward”,…
Nhưng cho dù thế nào, điều mà MSN làm được mà các công ty như CII không làm được là “trình bày và công bố” rất rõ đây là khoản lợi nhuận “một lần”, khoản lợi nhuận từ “giả định bán”. Cá nhân mình đánh giá rất cao điều này. Chỉ có một vấn đề là không nhiều thành phần thị trường hiểu rõ bản chất vấn đề, nên thông tin MSN đưa ra có thể cần “nhiều hơn thế” mới đảm bảo tính “trung thực và hợp lý” của thông tin tài chính.
Theo Long Phan